Sunday 13 November 2011

Sự nghịch lý của Phúc Âm


(VienDongDaily.Com - 06/10/2011)
TS. Trần Mỹ Duyệt

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo”.

Những nghịch lý xảy ra trong thời đại của chúng ta hiện nay chung quy cũng chỉ vì đồng tiền. Các nước nghèo ganh tỵ với các nước giầu. Các nước giầu lại muốn dành ngôi vị bá chủ. Từ sự giầu nghèo vật chất dẫn đến giầu nghèo tinh thần. Và hai dòng chảy này luôn luôn xung khắc với nhau không có câu trả lời thỏa đáng.
Chúa Giêsu cũng đã biết rõ điều này nên khởi đầu sứ mạng rao truyền Tin Mừng, Ngài đã dùng đề tài này để nói với quần chúng. Ngài không hứa hẹn gì và cũng không tuyên bố gì ngoại trừ những lời hứa mà thoạt nghe không làm êm ái lỗi tai người nghe, và cũng không đáp ứng được với những khao khát của phần đông nhân loại. Có chăng, Ngài đứng về phía đông những người nghèo khổ, nhỏ bé bị đời hất hủi, quên lãng. Những người vì Tin Mừng bị bách hại, đối xử bất công. Chúng ta hãy nghe Chúa nói: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo. Phúc cho những ai hiền lành. Phúc cho những ai đang bị khóc lóc. Phúc cho những ai đói khát sự công chính. Phúc cho những ai biết xót thương. Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch. Phúc cho những ai xây dựng hòa bình. Phúc cho những ai bị bắt bớ vì lẽ công chính” (Xem Mat 5:1-12).
Nghèo mà hạnh phúc thì khó nghe quá! Chỉ riêng một chữ nghèo mà thôi cũng liên quan đến bao chữ nghĩa khác: Khó khăn “nghèo khó”, khổ sở “nghèo khổ”, túng quẫn “nghèo túng”, bị đời khinh bỉ “nghèo hèn”, và làm cho con người trở nên dốt nát: “Cái khó nó bó cái khôn”. Ai ai cũng sợ nghèo, tránh nghèo, và khinh bỉ nghèo. Ai ai cũng cố ngoi lên cho khỏi kiếp nghèo. Và ai ai cũng biết rằng giàu tiền bạc đưa đến giàu quyền lực, giàu danh vọng. Khi có tiền của, có danh vọng, và quyền lực là có tất cả: “Có tiền mua tiên cũng được”. Vì thế nên sức hấp dẫn và mãnh lực đồng tiền khó ai mà chống cự nổi. Chúa Giêsu đã xếp hạng tiền của ngang hàng với chúa của những kẻ ham mê nó: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mátthêu 6:24).
Từ sự nghèo khó vật chất dẫn đến sự nghèo khó tinh thần. Sức mạnh tiền bạc đang ảnh hưởng trên toàn diện sinh hoạt của con người. Nhìn vào hệ thống tham nhũng chằng chịt của xã hội cũng đủ để kết luận rằng, những người có tinh thần nghèo, những người trong sạch, ngay thẳng hiện nay rất hiếm hoi và hầu như đang bị tuyệt chủng! Bài toán xã hội cũng là bài toán bất công mà kết cục cũng chỉ vì tiền, tiền, và tiền. Tiền có thể mua được bằng cấp, địa vị, và chức quyền. Tiền cũng có thể mua được những giây phút thỏa mãn của cơn khát dục vọng. Từ tiền đưa đến ăn chơi xa xỉ. Những tệ nạn của xã hội, tội ác xã hội xảy ra cũng vì tiền. Hòa bình bị đe đọa, chiến tranh, khủng bố khắp nơi cũng vì sự bất công xã hội, bất công giữa kẻ giầu và người nghèo. Điều này đã trở thành một nghịch lý của Phúc Âm khi nghe Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo.
Nghịch lý này nằm ở chỗ là những gì con người tưởng chừng như vinh quang, hạnh phúc, và trường cửu thì đối với Thiên Chúa chỉ là tạm bợ, mây khói, và mau qua. Những thứ mà một cách nào đó, chỉ đem lại thêm sự thèm muốn, khát khao và đam mê mà dù có được thỏa mãn hay không được thỏa mãn đều khiến cho những ai tôn sùng, tìm kiếm và chiếm hữu nó phải băn khoăn và lo lắng. Ngược lại, những gì mà trước mắt con người thông thái, khôn ngoan cho là tầm thường, vô giá trị, đáng khinh bỉ lại trở nên quí giá vô cùng cho những ai biết khám phá và nhìn nó dưới ánh sáng của Tin Mừng.
Nghịch lý này cũng nằm ở chỗ là dù nghèo vật chất hay giầu có tiền của, nếu muốn hạnh phúc chúng ta phải sống bằng tinh thần nghèo Tin Mừng, nghèo Phúc Âm. Chính tinh thần và lối sống này mới giúp con người bóc lột hoàn toàn cái tôi của mình, cái tôi đáng ghét đầy tham, sân, si. Cái tôi sẵn sàng quỵ lụy và thần phục bất chính để miễn sao mình chiếm đoạt cho thật nhiều của cải vật chất, thật nhiều vinh quang, và thật nhiều quyền lực. Cái tôi mà sau này chính Chúa Giêsu đã phải nói với tất cả những ai muốn theo Ngài: “Hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mátthêu 16:24). Bỏ mình đi hay mặc lấy tinh thần nghèo cũng là một. Khi bỏ mình tức là đã tự mình ra nghèo vì mình. Từ bỏ ý tưởng quyền lực, ý nghĩ tự cho mình hơn người khác. Từ bỏ lối sống buông thả theo dục vọng. Từ bỏ mình để đón nhận những thua thiệt, thử thách, là chấp nhận đau khổ, chấp nhận bị ruồng bỏ vì lẽ công chính.
Đưa ra những lý do để được chúc phúc, và những điều kiện lãnh nhận phúc lành từ Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn con người tìm về cội nguồn hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Một thứ hạnh phúc vĩnh hằng, có mãi và đem lại vui mừng hân hoan, bằng an cho tâm hồn. Dùng sự khó nghèo tâm linh như một yếu tố cần thiết để đón nhận phúc lành, và cũng để mở đầu cho Hiến Chương Tin Mừng của Ngài, là Ngài muốn chúng ta suy niệm một cách cốt lõi về ý nghĩa của cuộc đời và hạnh phúc thật sự mà con người phải tìm kiếm. Đúng ra, Ngài muốn nói chính Ngài mới là hạnh phúc thật. Và chỉ ở trong Ngài, con người mới có hạnh phúc và được hạnh phúc. Điều này thánh Augustine sau suốt thời gian ăn chơi trác tang, khi đón nhận ánh sáng Tin Mừng đã thổn thức ghi lại: “Chúa dựng nên tôi có một quả tim, và tim tôi không ngừng thao thức cho đến khi nó được nghỉ yên trong Ngài”.
Tóm lại, bỏ mình hay sống tinh thần nghèo cũng là một. Và sống nghèo tinh thần hay sống trong sạch, tiết độ, sống phó thác và khiêm nhường, sống với trái tim xây dựng hòa bình, với tinh thần chấp nhận vì lẽ công chính cũng là một. Và cái nghịch lý của Tin Mừng nằm ở chỗ đó. Nhưng liệu mấy ai nhận ra, và liệu có mấy ai khi nhận ra lại dám can đảm và sẵn sàng sống theo nghịch lý Tin Mừng này.

Nguồn: Gia Đình Nazareth (www.giadinhnazareth.org)

source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment