Sunday 14 April 2013

Thánh Francis thành Assisi,Tấm gương của Tân Giá



Thánh Francis thành Assisi,Tấm gương của Tân Giáo Hoàng

  • Written by  Việt Nguyên
  • Saturday, 13 April 2013 11:03
  • font size decrease font size increase font size 
  • Print 
  • Email
Rate this item
(0 votes)
Thánh Francis thành Assisi,Tấm gương của Tân Giáo Hoàng
NHÂN VẬT 
VIỆT NGUYÊN
Gửi Việt Tribune
Qúy Tỵ, năm con rắn tượng trưng cho sự thay đổi, “rắn già rắn lột”, thay đổi như một đổi mới dẫn đến cái mới tốt hơn cái cũ.  Sự thay đổi đã thấy xảy đến trong Giáo Hội Công Giáo La Mã qua cuộc bầu cử Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013.  Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, người Á Căn Đình được bầu làm Tân Giáo Hoàng theo đúng truyền thống được giữ từ thời Trung Cổ của Giáo Hội, kết quả không có gì bất ngờ, 115 Hồng Y đã chọn người về hạng nhì sau Giáo Hoàng Benedict XVI năm 2005. 
Từ sau Cộng đồng Vatican II, đầu thập niên 1960, các hứa hẹn cải tổ vẫn còn dang dở, nay với Giáo Hoàng gốc Châu Mỹ La Tinh đầu tiên, lấy tên Giáo Hoàng Francis, một vị thánh vào thời Trung Cổ nổi tiếng là một nhà cải cách, hy vọng Tân Giáo Hoàng sẽ dẫn dắt hơn một tỷ giáo dân vào con đường mới bỏ lại đằng sau những xì-căng-đan tài chính và tình dục với con số giáo dân đi nhà thờ ngày Chúa nhật giảm đi nhiều ở các nước Âu Châu.  Mặc dù Hồng Y Bergoglio có tiếng bảo thủ  về phương diện tình dục “chống phá thai, hôn nhân đồng tính và dùng thuốc ngừa thai” nhưng ông đã sống đơn giản trong chung cư ở Buenos Aires, không ở trong dinh Hồng Y, tự nấu ăn, đi xe buýt đến sở làm và ngay sau khi được bầu Giáo Hoàng ông đã đến khách sạn một mình không cận vệ để lấy hành lý và trả hóa đơn, ông cũng tự đi thăm một người bạn ở bệnh viện và đã phê: “Phòng ngủ của Giáo Hoàng quá rộng cho một người, phòng này đủ để 300 người ở”.  Khuyên giáo dân Á Căn Đình “không nên tốn tiền đến La Mã để dự ngày đăng quang, để tiền đó cho người nghèo”.  Tân Giáo Hoàng đã chứng tỏ ông muốn sống cuộc đời giản dị như thánh Francis thành Assisi người sáng lập dòng Franciscan.
Tân Giáo Hoàng Francis thuộc dòng Jesuit (dòng Tên), một dòng Công Giáo sáng lập bởi thánh Ignatius thành Loyola trong thời kỳ chống cải tổ (Counter Reformation), dòng Jesuit chấp nhận lệnh giáo hội sống bất cứ ở nơi nào dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiên về thần học dòng Jesuit có công truyền giáo khắp thế giới, mặc dù không lớn bằng dòng Franciscan, và lập ra các trường đại học Công Giáo Loyola.  Thánh Loyola ở thế kỷ thứ 16, có quá trình quân sự, nên lập nguyên tắc “thầy dòng là lính của Thượng Đế, phục vụ Thượng Đế và Giáo Hội nhân danh Jesus”.  Trong quá khứ mặc dù thề trung thành với Giáo Hoàng ở La Mã nhưng dòng Jesuit đã nhiều lần làm cách mạng đụng độ với Giáo Hội, bị đàn áp ở nhiều nơi trên thế giới.  Tân Giáo Hoàng 76 tuổi do đó cũng có máu cách mạng của dòng Jesuit khi có đầu óc canh tân ngay ngày lễ đăng quang.
Hồng Y Bergoglio là người thích văn chương, chịu ảnh hưởng của hai nhà văn lớn:  Văn hào Nga Dostoevsky (tác giả hai tác phẩm vĩ đại “Tội ác và hình phạt” và “Anh em nhà Karamazov” với thần học chính thống giáo Nga) và nhà văn Jorge Luis Borges, nhà văn Á Căn Đình với các tác phẩm thiên về tôn giáo cấp tiến.  Cùng các nhà văn nổi tiếng Umberto Eco (người Ý với tác phẩm “Tên của loài hoa hồng”) hay Mario Vargas Llosa (người Peru với tác phẩm “Chiến tranh ngày tận thế”). Borges chủ trương người theo đạo Thiên Chúa phải sống nghèo trái với lối sống xa hoa của giáo hội La Mã.  Các tu sĩ Châu Mỹ La Tinh, từ sau ngày Công Giáo phát triển khi Hernan Cortes xâm lăng Mễ Tây Cơ với họng súng Tây Ban Nha, vẫn có khuynh hướng sống khắc khổ như các nhà tu trong các tu viện thời Trung Cổ.
Hồng Y Bergoglio khi chọn tên thánh Francis (một trong hai thánh bổn mạng của nước Ý, ngoài thánh Catherine) ông chỉ mới bắt đầu những bước của thánh Francis thành Assisi.
Sanh năm 1181, Thánh Francis
(St Francis, San Francisco) tên thật là Francesco Di Bernadone, xuất thân từ gia đình thương gia giàu có nhờ ông bố Pietro có tài buôn vải.  Con nhà giàu, ăn ngon, mặc đẹp, chỉ đi học mấy năm đầu, cậu Francesco cầm đầu bạn bè trong xóm, đãi đằng bè bạn, đủ thói hư tật xấu kể cả rượu chè.  Cậu bé Francesco thường hay đi theo bố qua Pháp trong những chuyến buôn, yêu văn hóa Pháp, yêu tiếng Pháp nên được ông bố đặt tên là Francesco (Francais, có nghĩa là người Pháp, Frenchman).
Thế giới trong đầu thế kỷ 13 ở Ý là thế giới bạo động, bạo động giữa Giáo Hoàng và Đế quốc La Mã, bạo động giữa thành phố Assisi và các thành phố khác cũng như bạo động giữa giới thương gia và các giới qúi tộc khác tương tự như thời Chiến Quốc ở Trung Hoa.  Ngày nào cậu Francesco cũng chứng kiến cảnh đổ máu và người chết.  Trong thời trai trẻ này cậu Francesco cũng muốn thành con người hiệp sĩ.  Năm 1202, cậu tình nguyện đi đánh giặc khi chiến tranh xảy ra giữa thành Assisi và Perugia.  Quân Assisi thua, Francesco bị bắt, ở tù một năm nằm ngủ với chuột trong tù, từ từ thay đổi đi theo đời sống tâm linh.  Ngoài thành có một nhà thờ bỏ hoang, cậu hay đến đó cả ngày thơ thẩn, cầu nguyện, tìm hiểu đạo, tối ngủ lại một mình ở nhà thờ.  Năm 25 tuổi, khi mẹ cậu mất, cậu hưởng được một phần lớn gia tài nhưng bị cha đưa ra tòa vì thiếu trách nhiệm trong gia đình.  Cậu Francesco trước đám đông cởi quần áo trần truồng, để quần áo dưới chân bố, tuyên bố từ đây Thượng Đế là cha cậu chứ không phải là ông bố Piedro.
Francesco Di Bernadone muốn theo vết chân các tông đồ của Chúa, sống một đời giản dị và nghèo khó.  Được phong Thánh nhưng đặc biệt thầy dòng Francesco không hề được thụ phong linh mục.  Ăn mặc giản dị, có khi hơi khác thường, áo choàng vải thắt lưng bụng bằng dây thừng, không mang giầy, khi giảng đạo có khi thầy Francesco nhảy, khóc, nhại tiếng thú vật, cởi quần áo chỉ mặc quần lót, mắt lúc nào cũng sáng long lanh, dân Ý nghĩ ông điên và nguy hiểm, có khi ném đất vào người ông và đàn bà khi thấy ông đến cửa phải chạy trốn vào nhà.  Bề ngoài trông quái đản, nhưng ngôn ngữ thánh thiện, những lời nói của ông an ủi được những người đau khổ, những lới nói dịu dàng thấu đến con tim của những người cần được an ủi.  Mỗi lần ông đến các thành phố Ý, chuông nhà thờ đổ vang báo người làng ra đón.  Ông Thánh có tiếng là yêu súc vật và truyền thuyết nói rằng ông hiểu tiếng súc vật, chim chóc và thường giảng đạo cho súc vật.  Dân làng có khi rình lấy trộm nước rửa chân của ông để chữa bệnh cho các con bò.  Có một lần con sói đến thành Gublio quấy nhiễu dân làng, dân làng đòi treo cổ con sói.  Ông đã đứng ra dạy cho con sói hiểu phải trái, không nên tấn công, phá hoại làng và giết trẻ em.  Con sói trở nên hiền lành ngoan ngoãn đặt bàn chân lên tay ông thánh.  Khi con sói chết cả làng thương khóc.  Thánh Francis được xem như là thánh của phong trào yêu súc vật, phụ nữ bình đẳng và môi sinh.
Yêu những người bệnh nhất là những người bị bệnh cùi, thánh Francis sống với những người cùi ở ngoài thành Assisi, những người cùi lở lói không làm ông sợ hãi, đối với những người bệnh cùi, Công Giáo thời ấy xem là một tội lỗi (sin) nhưng Thánh Francis nói “Thượng Đế hướng dẫn tôi vào đời, tôi đã làm những việc phước thiện, điều gì xấu xa cay đắng chúng ta thấy bên ngoài lại là những điều ngọt ngào trong tâm hồn”. Người cùi phải vào thành vào buổi tối, chính họ phải gióng chuông nhà thờ để cảnh báo cho dân làng.  Thánh Francis thức dậy, ôm những người cùi và dạy dân làng “người cùi bị xua đuổi ghét bỏ cũng giống như Chúa Jesus lúc cuối đời bị những người dân đã được ngài cứu rỗi ruồng bỏ, vâng lời chúa Jesus các anh phải gia nhập cùng những người bị ruồng bỏ”
Năm 1206 sau khi từ bỏ gia tài của cha mẹ, hai người dân thành Assisi đã đi theo thánh Francis và từ năm 1208 đến năm 1212 phong trào Franciscan trở nên phổ thông.  Những người theo thánh Francis không giữ gia tài của cải nhà cửa vì tài sản gây ra đố kỵ, thèm muốn, ghen ghét, lý do gây ra chiến tranh trên thế giới.  Những người đến với Thánh Francis sống trong một cộng động không tài sản “bán hết tài sản của cải, cho tiền những người nghèo” như lời chúa giảng cho những người trẻ Do Thái khi họ muốn theo Chúa.  Lối ăn mặc của dòng Franciscan cũng giống như thánh Francis, không giày, đi chân đất, áo choàng vải dài thắt lưng dây thừng với ba nút dây tượng trưng cho  “nghèo khó, tinh khiết và vâng lời”. Ngôi nhà thờ bỏ hoang ở quận Portiuncula,  Santa Maria Degli Angeli được biến làm trụ sở, ban ngày họ tu bổ nhà thờ, làm việc chân tay, không nhận tiền, đi ăn xin nhưng không chứa thực phẩm, mỗi ngày thực phẩm phải được ăn cạn.  Phong trào lúc đầu được gọi là Friar Minor.  Thánh Francis theo đúng lời giảng trong Phúc Âm Matthew 10:9 “Chúa dạy người muốn lên nước Trời thì không được mang theo tiền, không được cầm gậy hay mang giầy đi trên đường”. 
Thánh Francis không tin vào sách vở, không giữ cuốn Thánh Kinh nào, không phải vì không hề được thụ phong linh mục hay xem sách vở là “cứt đái của Thánh hiền” như ngạn ngữ của người Trung Hoa nhưng vì ở thời Trung Cổ sách vở đắt tiền chỉ có người giàu có mới mua được sách  và những người giàu ôm sách nhưng không đọc chỉ để khoe của, trở thành người ngạo mạn.
Con người không tin vào sách vở nhưng yêu thơ như thánh Stephens nên Thánh Francis có tính uyển chuyển, không phải là người giữ nguyên tắc cứng ngắc.  Ông nhận tất cả những người nào muốn theo đạo và đi theo con đường dòng Franciscan, là thầy dòng thì phải đi bộ không được cưỡi ngựa vì ngựa là biểu tượng cho sự giàu có nhưng khi thầy dòng bị bệnh thì ông cho phép ngồi trên ngựa để đi tiếp đoạn đường. Thầy dòng sống với kỷ luật, tuần lễ chay nhịn ăn nhưng không nhịn ăn quá đáng để phải té xỉu.  Ông được tiếng là người ngọt ngào, nhẹ nhàng, thân thiện không hề ghét một người nào.
Tu Viện dòng Franciscan ở vùng Carceri, trên ngọn đồi cao trên thành Assisi, chót vót hàng trăm thước trên vách đá nhìn xuống biển, điển hình của một tu viện thời Trung Cổ.  Dòng Franciscan được Giáo Hoàng Inocent III công nhận là một dòng tu Công Giáo năm 1210.  Các thầy dòng Franciscan có hai lối sống:  lối sống trong tu viện theo ba lời nguyện: nghèo khó, tinh khiết, và vâng lời và lối sống của tông đồ dựa theo lời dạy của Chúa, đi ra ngoài tu viện, đi truyền đạo hai người đi cặp, không giữ của cải, không mang tiền, không giữ thức ăn qua ngày.
Các thầy dòng Franciscan giữ lời giảng dạy trong Phúc Âm Matthews: “Nước Trời trong anh, cho mà không nhận công, không để vàng, bạc, đồng, kẽm chứa đầy trong túi trên đường đi”. Đối với thánh Francis:  muốn giúp người nghèo tìm con đường đi của Chúa, con người phải nghèo, nghèo khó là thánh thiện, là trong sạch.
Trong dòng Francis có ba thứ bậc, bậc thứ nhất là các thầy dòng đi giảng đạo, bậc thứ hai là các nữ tu làm việc trong tu viện, bậc thứ ba là các anh em thường nhân có gia đình không giảng đạo nhưng làm việc giúp tu viện và giúp người nghèo.  Thánh Francis là một nhà du hành, giống như các vị sư Phật Giáo như Đường Tam Tạng, năm 1217, ông đi bộ, chân không, không chống gậy, qua Pháp, Đức, Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Trung Đông, đến Ai Cập thăm và giảng đạo cho Sultan.
Lối sống của Thánh Francis, đi du hành giảng đạo, cầm bình bát xin ăn, không nhà không cửa nghèo khó nhưng làm cho thế giới con người trở nên giàu có thật không khác gì các tu sĩ Phật Giáo Tiểu thừa (một tôn giáo 500 năm trước Thiên Chúa Giáo).
Linh Mục Evariste Regis Hus người Pháp là một nhà du hành và viết du ký.  Trong cuốn “Kỷ niệm chuyến đi đến vùng Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Hoa những năm 1844, 1845 và 1846” đã có nhận xét “lễ lạc của các sư Tây Tạng không khác gì với lễ của người Công Giáo La Mã”.  Sách của cha Huc bị Giáo Hội cấm không cho xuất bản liệt vào sách cấm (index Librorum Prohibitorum)
Được phong thánh vì ngoài phép lạ cảm thông với chim muông và cầm thú, Thánh Francis đã có viễn ảnh (vision) trên núi Verna sau 40 ngày tuyệt thực.  Ngày 29/9/1224, sau khi cầu nguyện, nhìn lên trời ngài thấy một thiên thần 6 cánh giống như chúa Jesus trên thánh giá, sau đó khi thiên thần biến mất thánh Francis nhận thấy trên người ông có những vết thương như Chúa Jesus khi bị khổ hình, năm dấu đinh trên các bàn tay, bàn chân và bên trái thân thể là những lằn roi chảy máu.
Năm 1226, Thánh Francis đi La Mã bị bệnh, được đem về Assisi và mất ở quê nhà, xác được dấu dưới đá dưới ngôi nhà thờ 3 tầng hiện nay.  Chủ trương không của cải nhưng tín đồ dòng Franciscan lại lập ngôi mồ lớn.   Ngày 16 tháng 7 năm 1228, Giáo Hoàng Gregory IX phong Francis là thánh của thú vật và môi sinh, mỗi năm ngày 4 tháng 10 thế giới làm lễ nuôi thú vật để tưởng nhớ thánh Francis.  Ngày 29 tháng 11 năm 1979, Giáo Hoàng John Paul II cũng đứng ra phong thánh Francis là Thánh môi sinh.
Từ năm 1300, các tu viện mọc lên, Công Giáo nảy ra nhiều dòng tu như Dominican, Christian Brothers, Marist Brothers ..v.v… mặc dù các tu viện bị tấn công trong thời kỳ Phục Hưng sau khi Martin Luther năm 1520 một đêm đóng 95 bản văn chống đối Giáo Hoàng, không chấp nhận tài sản nhà thờ ở Đức là nhà thờ của Giáo Hội và giáo dân phải đọc thánh kinh bằng tiếng Đức lập ra giáo phái Tin Lành Lutheran.  Năm 1530 Vua Henry VIII phá hủy các tu viện ở Anh đến năm 1600 tu viện trong đó có dòng Franciscan biến mất ở nước Anh.
Nhưng nặng nhất là một trăm năm sau ngày thánh Francis qua đời, năm 1323 Giáo Hoàng John XXII tuyên bố, “những kẻ nào nói rằng Chúa và các tông đồ sống nghèo khó tuyệt đối, kẻ đó phạm tội nhạo báng Chúa”.  Các thầy dòng Franciscan trung thành được gọi là “Phái Tâm Linh” (Spirituals) đã bị xử tử.
Cuộc đấu tranh giàu nghèo trong Giáo Hội La Mã vẩn tiếp diễn trong mấy trăm năm.  Tân Giáo Hoàng Francis mang đến niềm hy vọng mới nhưng gọi kỳ bầu cử Giáo Hoàng vừa qua là Mùa Xuân Vatican (Vatican Spring) như Mùa Xuân Á Rập hay như lời bình luận của Massimo Franco, tờ báo Ý Corrierre Della Sera: “Thời đại của Vua Giáo Hoàng và Vatican nay đến lúc chấm dứt” có vẻ như quá sớm.
      
Việt Nguyên
23/3/2013
source
Viet Tribune